0220-3777514
Chăm sóc lợn con theo mẹ, thức ăn lợn con AFC, Gold Coin

Hỗ trợ kỹ thuật

  • Mr.Hùng_AFC Liên hệ: (84-220) 3777514
  • CSKH Hỗ trợ khách hàng (84-220) 3777514
Thống kê truy cập
Online 34
Hôm nay 941
Tổng 4.641.982

KỸ THUẬT CHĂM SÓC LỢN CON THEO MẸ

14/10/2015 15:22:46

Chăm sóc lợn con sơ sinh trong tuần đầu cần được đặc biệt quan tâm, vì có tới 60% lợn con bị chết trong 4 ngày đầu sau sinh.

 Giai đoạn lợn sơ sinh -7 ngày tuổi

            Chăm sóc lợn con sơ sinh trong tuần đầu cần được đặc biệt quan tâm, vì có tới 60% lợn con bị chết trong 4 ngày đầu sau sinh.

Trước ngày đẻ dự kiến của lợn nái 1- 2 ngày, chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng ổ úm và các dụng cụ đỡ đẻ để tạo điều kiện tốt nhất cho lợn con ngay từ khi mới được sinh ra. Ổ úm phải được chuẩn bị và có đèn sưởi đảm bảo nhiệt độ ở mức 32 - 330C. Các dụng cụ cần chuẩn bị như sau: Kéo cắt rốn, dây buộc rốn, thuốc sát trùng, giẻ mềm, khô và sạch, dụng cụ thổi ngạt, dụng cụ can thiệp khi lợn con to khó ra như dây buộc (có thể dùng dây giầy), thuốc kích đẻ, an thần cho lợn mẹ.v.v…

 

Lợn con mới sinh ra cần được lau sạch nhanh chóng nước nhầy bằng giẻ đã chuẩn bị sẵn, nhất là váng nhầy ở mũi và miệng, đề phòng ngạt thở. Những lợn con yếu cần được hà hơi thổi ngạt ngay lập tức. Chúng ta cũng có thể sử dụng các sản phẩm làm khô cho lợn con sơ sinh, giúp lợn con nhanh chóng khô sạch và ấm (như sản phẩm Mistral – Pháp hay Safe Guard - Frizer). Dùng dây thắt rốn cách bụng 2cm và cắt ở phía ngoài bằng kéo sát trùng, sát trùng vết cắt bằng bông tẩm cồn iode.

Ngay sau đó, cần cho lợn con bú sữa đầu càng sớm càng tốt (lợn con cần được bú 4 lần trong vòng 6 giờ đầu sau sinh, con nào đẻ đến đâu cho bú đến đó, không chờ lợn mẹ đẻ xong mới cho bú). Chúng ta cần tập cho lợn con bú và cố định bầu vú cho chúng, chọn những lợn con bé và yếu cho bú các vú trên gần ngực (có nhiều sữa hơn). Chỉ bấm răng nanh, cắt đuôi cho lợn con sau khi chúng đã được bú sữa đầu, việc này giúp cho lợn con nhanh chóng hấp thu được lượng kháng thể trong sữa đầu để chống lại sự viêm nhiễm có thể mắc phải. Chú ý bấm đi 2/3 chiều dài răng nanh bằng kìm chuyên dụng và không để lại vết sắc gây viêm lợi lợn con hoặc viêm vú lợn mẹ khi bú. Đuôi cũng cần được cắt bằng kìm chuyên dụng và sát trùng kỹ bằng cồn iode để tránh chảy máu và nhiễm trùng. Nếu lợn mẹ có số vú ít hơn số con thì chia làm hai nhóm cho bú luân phiên nhau. Trong hai ngày đầu, cứ 2 giờ cho lợn con bú một lần, xong cho lợn con vào ổ úm. Nếu số con quá đông hoặc lợn mẹ ít sữa, ta có thể ghép bớt một số lợn cho những đàn cùng tuổi hoặc lớn hơn không quá 3 ngày (chú ý chỉ chuyển đi những lợn to khỏe trong đàn để chúng có thể cạnh tranh ở đàn lợn mới lớn hơn).

 Với những trại vệ sinh kém, chúng ta có thể tiêm kháng sinh phòng bệnh cho lợn con vào các ngày 1, 10 và ngày cai sữa, chú ý dùng những thuốc an toàn với lợn con như Ecede, Draxin – Frizer.

Tiêm Dextran sắt liều 100mg cho lợn con  vào 3 ngày tuổi (1-2 ml/lần).

Tuyệt đối không được rửa chuồng, chỉ rọn khô và thay ổ bẩn.

Lợn con cần được tập ăn sớm vào lúc 5 – 7 ngày tuổi bằng những loại cám chất lượng dành riêng cho lợn con theo mẹ như cám AFC 1000 hoặc GOLD COIN 300S. Để máng tập ăn tại nơi lợn con hay ra vào (như cửa ổ úm) và tránh lợn mẹ ăn mất hoặc rũi đổ. Những lần đầu chỉ nên giắc vài hạt cám để cho lợn con tập làm quen dần, cho lượng cám tăng dần theo khả năng ăn của lợn con, đảm bảo lợn con ăn hết trong vòng 1 – 2 giờ, nếu sau 2 giờ lợn con ăn không hết, cần đổ cám cũ cho lợn mẹ và cho lợn con ăn cám mới. Khi máng bẩn cần được rửa sạch và lau khô ngay, tránh thức ăn ẩm ướt, lên men làm lợn con rối loạn tiêu hóa và ỉa chảy phân trắng. Cho lợn con ăn 5 – 7 lần/ngày.

Trong tuần đầu, lợn con được bú sữa mẹ với lượng kháng thể cao nên nếu chất lượng sữa mẹ tốt thì lợn con ít khi mắc bệnh. Ngược lại, nếu lợn con mắc bệnh thì vấn đề đầu tiên là ta phải kiểm tra là chất lượng sữa và sức khỏe lợn mẹ. Nếu lợn mẹ bị viêm vú, viêm tử cung, sốt...thì sẽ dẫn tới chất lượng sữa kém, lợn con sẽ suy yếu và mắc bệnh. Do vậy, khi lợn con mắc bệnh như tiêu chảy, bỏ bú...thì ngoài điều trị lợn con thì ta cũng cần chú ý kiểm tra và điều trị bệnh cho lợn mẹ. Ngoài ra, chúng ta cũng cần chú ý đến nhiệt độ ổ úm, nhiệt độ chuồng nuôi và tránh gió lùa, ẩm ướt đối với lợn con.

Tại sao phải tập ăn sớm cho lợn con

Khi lợn con mới sinh ra, chất lượng và số lượng sữa mẹ hoàn toàn đủ để nuôi con. Tuy nhiên, khi lợn con lớn lên thì lượng sữa mẹ dần không đủ để đáp ứng nhu cầu cho sự phát triển của lợn con, mặt khác chất lượng sữa mẹ lại dần giảm đi sau 1 tuần sinh. Do vậy, rất cần thiết phải tập ăn sớm cho lợn con từ khi 5 – 7 ngày tuổi.

Mặt khác, nếu lợn con được tập ăn sớm thì tinh bột sẽ kích thích dạ dày tiết dịch vị (HCL) và các enzime tiêu hóa tinh bột, protein như amylase, lipase, protease, maltase... làm tăng cường khả năng tiêu hóa, ngăn trừ mầm bệnh trong đường ruột. Lợn con được tập ăn sớm sẽ cho trọng lượng cai sữa lớn hơn, sẽ không bị hao hụt khi cai sữa, giúp lợn con ăn cám tốt hơn và lớn nhanh hơn trong giai đoạn từ sau cai sữa - xuất chuồng.

 

 Chăm sóc lợn con 8 ngày tuổi đến cai sữa

Ngày thứ 10, tiêm Dextran sắt cho lợn con lần 2 (nếu cần), kết hợp thiến những lợn đực không để sinh sản.

Cần chú ý cho lợn nái mẹ ăn đủ lượng thức ăn cần thiết để nuôi con. Cho lợn nái ăn tăng dần từ ngày đẻ đến 7 ngày sau đẻ, không cho lợn mẹ ăn nhiều ngay sau khi đẻ có thể gây kích sữa, viêm vú và ảnh hưởng đến lợn con. Tùy thuộc vào tuổi lợn nái và số lợn con nái nuôi để xác định lượng thức ăn cần thiết cho lợn mẹ. Lượng thức ăn trung bình cho lợn mẹ từ sau đẻ 1 tuần = 2kg (cho mẹ) + 0.45 kg * số con trong ổ. Cho lợn nái ăn đủ sẽ giúp nái có đủ sữa để nuôi con và không bị hao mòn cơ thể quá nhiều, ảnh hưởng đến kỳ sinh sản sau và hiệu quả sử dụng của lợn nái.

Tiêu thụ sữa và thức ăn ở lợn con

 

Lượng sữa của lợn nái sẽ tăng dần từ ngày đẻ cho tới khi cao nhất lúc 21 – 23 ngày tuổi, sau đó giảm dần. Tuy nhiên, chất lượng sữa thường giảm nhanh hơn và không đủ cho sự phát triển của lợn con. Ngoài việc cho lợn con ăn thêm thức ăn tập ăn thì nên chú ý cho lợn con uống thêm nước sạch bằng núm uống dành riêng với áp lực thấp, tránh làm lợn con sợ không dám uống và làm ướt chuồng.

Cần chú ý khả năng ăn cám của lợn con và sức khoẻ của lợn mẹ để quyết định ngày cai sữa cho lợn con. Bình thường, chúng ta cai sữa lợn con vào thời gian từ 21 - 25 ngày tuổi. Nếu lợn mẹ yếu, ít sữa thì có thể cai sữa sớm vào khoảng 18 - 21 ngày tuổi.

Lợn con cần được cai sữa đúng phương pháp để tránh stress và ốm yếu sau khi cai sữa. Lợn con cần được tách mẹ từng bước từ 3 – 5 ngày.

            Phương pháp cai sữa lợn con

Ngày tuổi lợn con

Thời gian tách mẹ

Thời gian ở chung với mẹ

Ngày trước cai sữa 5 ngày

Từ 7h - 11h sáng

11h sáng - 7h sáng hôm sau

Ngày trước cai sữa 4 ngày

Từ 7h - 12h sáng

12h sáng - 7h sáng hôm sau

Ngày trước cai sữa 3 ngày

Từ 7h - 13h chiều

13h chiều - 7h sáng hôm sau

Ngày trước cai sữa 2 ngày

Từ 7h - 14h chiều

14h chiều - 7h sáng hôm sau

Ngày trước cai sữa 1 ngày

Từ 7h - 15h chiều

15h chiều - 7h sáng hôm sau

Ngày cai sữa

Cai sữa, chuyển chuồng

 

           

Cân cả ổ lợn con để đánh giá khả năng tiết sữa của lợn nái và chọn giống hậu bị. Đàn lợn cai sữa đạt trung bình 11 con với trọng lượng trung bình từ 7.5 kg/con là đạt yêu cầu.

Lợn con là nền móng của “ngôi nhà” chăn nuôi lợn thịt, do vậy nếu đàn lợn con cai sữa lớn, khỏe mạnh thì sẽ cho đàn lợn thịt nhiều lợi thế sau này.

 

Ảnh hưởng của trọng lượng lợn con cai sữa tới trọng lượng lợn thịt xuất chuồng

 

Trọng lượng cai sữa - 25 ngày (kg)

Trọng lượng lúc 70 ngày (kg)

Trọng lượng xuất chuồng – 150 ngày (kg)

6.5

30

90

7.5

33

98

 

 

Chương trình phòng bệnh cho lợn con giai đoạn theo mẹ

 

Ngày tuổi

Loại thuốc, vac xin

Liều lượng và cách dùng

Phòng bệnh

1

Excede

Tiêm bắp 0.1 ml/con

Phòng viêm nhiễm sau sinh

3

Ferdex plus

Tiêm bắp 2ml/con

Phòng thiếu sắt

3

Nova – coc 5%

Uống 1ml/con

Phòng bệnh cầu trùng

5

Respisure one

Tiêm bắp 2ml/con

Phòng bệnh suyễn lợn

7

Draxin

Tiêm bắp 0.2ml/con

Phòng các chứng bệnh viêm nhiễm như viêm khớp, viêm não, viêm phổi và viêm khi thiến lợn đực

10

Hipprasuis Glasser

Tiêm bắp 2ml/con

Phòng bệnh viêm khớp, viêm phổi do Hemophilus parasuis

15

Postera PCV2

Tiêm bắp 2ml/con

Phòng bệnh Sơ cô - còi cọc (lần 1)

21

Amervac PRRS

Tiêm bắp 2ml/con

Phòng bệnh Tai xanh PRRS (lần 1)

Cai sữa

Draxin

Tiêm bắp 0.2ml/con

Phòng các chứng bệnh viêm nhiễm như viêm khớp, viêm não, viêm phổi và viêm khi thiến lợn đực

 

Thạc sỹ thú y Nguyễn Trung Phương - Trưởng phòng Kỹ thuật thị trường - Công ty TACN HOA KỲ - GOLD COIN Group

Điện thoại tư vấn kỹ thuật chăn nuôi lợn:

0912 674 670 - 0912 391 687 - 0947 266 161 - 0912 391737